Đọc Nhanh Ẩn

Bảo hiểm thai sản là một trong 05 chế độ trong Bảo hiểm xã hội. Trong Bảo hiểm thai sản có rất nhiều các chế độ khác nhau như: chế độ khám thai; chế độ sảy thai, nạo hút thai, thai chết lưu; chế độ nghỉ sinh; chế độ nhận con nuôi; chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau sinh; chế độ chồng nghỉ chăm vợ khi vợ sinh; chế độ trợ cấp 1 lần khi sinh con; chế độ thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, một trong những chế độ mà nhiều người quan tâm nhất là chế độ nghỉ sinh con. Bởi đây là một trong những chế độ đem lại nhiều quyền lợi nhất cho người lao động. Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích điều kiện trong từng trường hợp để hưởng chế độ thai sản khi nghỉ sinh con cho lao động nữ.
1. Điều kiện hưởng thai sản trong trường hợp thông thường.
Căn cứ Khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì điều kiện để lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con là phải đóng được ít nhất 06 tháng Bảo hiểm xã hội trong 12 tháng trước khi sinh con. Vậy để xác định một lao động có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản hay không cần thực hiện qua 02 bước:Bước 1: Xác định 12 tháng trước sinh
Bước 2: Xác định 6 tháng đóng bảo hiểm trong 12 tháng trước sinh
Lưu ý: Nếu tháng sinh con mà NLĐ đóng BHXH thì tháng sinh con sẽ được tính trong 12 tháng trước sinh. Ngược lại, nếu tháng sinh con mà NLĐ không đóng bảo hiểm thì sẽ không được tính trong 12 tháng trước sinh.
Để xác định chính xác điều kiện hưởng chế độ thai sản, bạn cần biết dự sinh của bản thân vào ngày tháng nào. Từ căn cứ đó, lùi lại thời gian 12 tháng kể từ tháng dự sinh. Nếu trong quãng thời gian này, bạn đóng được 6 tháng bảo hiểm xã hội, bạn sẽ được nhận chế độ thai sản.
Ví dụ 1: A đóng Bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021 và nghỉ hẳn việc là ngày 1/4/2021. Dự sinh của A là 20/09/2021. Vậy muốn biết A có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản không cần xác định 12 tháng trước sinh của A. A dự sinh 20/09/2021, do A đã nghỉ việc nên 12 tháng trước sinh của A được tính từ tháng 9/2020 đếm 8/2021. Trong 12 tháng này A đã đóng Bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2020 đến 3/2021 là vừa đủ 6 tháng nên A đủ điều kiện để hưởng thai sản (mặc dù A đã nghỉ việc).
Ví dụ 2: B mới bắt đầu vào làm việc ở công ty và được tham gia Bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2020 nhưng khi đó B đã có bầu. Theo đó, B vẫn làm việc ở công ty cho đến lúc sinh con là ngày 12/06/2021. Vậy, 12 tháng trước khi sinh của B được xác định từ tháng 6/2020 đến 5/2021. Trong 12 tháng này, B đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2020 đến hết tháng 5/2021 là 8 tháng. Vậy, A đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
2. Điều kiện hưởng thai sản trong trường hợp đặng biệt: nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ.
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: Trường hợp người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên nhưng khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo yêu cầu của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội ít nhất từ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con. Quy định này ta có thể hiểu như sau:+ Người lao động phải đáp ứng điều kiện là đóng được 03 tháng Bảo hiểm xã hội trong 12 tháng trước khi sinh con;
+ Người lao động mang thai nhưng phải nghỉ việc để dưỡng thai theo yêu cầu cửa cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền.
+ Trước đó người lao động phải đóng được 12 tháng bảo hiểm xã hội (không tính 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội trong 12 tháng trước sinh nêu trên).
Để hiểu kỹ hơn về trường hợp này, bạn có thể xem ví dụ sau: Chị C đã đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2014 đến tháng 3/2015 là được 1 năm 3 tháng. Sau đó chị nghỉ việc, đến tháng 9/2020 chị xin làm việc tại Công ty X và được công ty đóng Bảo hiểm từ tháng 8/2020. Đầu tháng 12/2020 chị C phát hiện có bầu và dự sinh là 25/08/2021. Tuy nhiên, khi đi khám thai mới biết chị C bị u nang ở buồng trứng trái mà khi thai càng lớn thì khối u của chị càng bị chèn ép dẫn đến việc ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và bé. Chị được bệnh viện tỉnh Y chỉ định phải nằm dưỡng thai tại bệnh viện Y để theo dõi. Vậy nên từ tháng 2/2021 chị không thể tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội được nữa.
Để biết chị C có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp đặc biệt này hay không cần xác định:
+ Chị C mang thai từ 12/2020 khi đang làm việc ở công ty. Từ 02/2021 chị không thể tiếp tục đi làm việc và đóng bảo hiểm vì bệnh viện tỉnh Y chỉ định chị C phải nằm viện dưỡng thai để theo dõi (đã đáp ứng điều kiện là chị C đang làm việc phải nghỉ để dưỡng thai theo chỉ định của bệnh viện Y)
+ Dự sinh của chị C là 25/08/2021 nên 12 tháng trước sinh của chị C tính từ tháng 8/2020 đến hết tháng 7/2021. Trong 12 tháng này, chị C đã đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021 là 5 tháng (đã đáp ứng điều kiện đóng 3 tháng BHXH trong 12 tháng trước sinh)
+ Trước đó chị C đã đóng được 1 năm 3 tháng từ 1/2014 đến tháng 3/2015.
Kết luận: Từ những phân tích nêu trên, bạn cần xem xét trường hợp của mình xem có đáp ứng các điều kiện luật định để hưởng bảo hiểm thai sản hay không. Nếu dự liệu được sớm các điều kiện nêu trên bạn sẽ chủ động hơn trong việc đóng tiếp bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi của mình.
Last edited by a moderator: